Admin
Tổng số bài gửi : 741 Points : 28756 Join date : 12/01/2010 Age : 35 Đến từ : Long An
| | Tiêu đề: Quản lý đất đai rất cần minh bạch 21/1/2010, 16:18 | |
| Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi với chúng tôi về những biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trong năm 2006.
Đất đai luôn luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng. Theo ông đầu năm 2006 này, ngành tài nguyên - môi trường có những việc gì được coi là cấp bách nhất?
Đầu tiên phải là thiết lập hệ thống cơ chế tài chính một giá đất, để xoá bỏ quan hệ xin - cho, xoá bỏ tệ tham nhũng đất đai. Muốn vậy, phải giải quyết mấy việc cụ thể:
1. Giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định chưa sát giá thị trường, mới chỉ vào khoảng 50-70%, trong đó đáng kể là đất nông nghiệp trong khu đô thị và khu dân cư nông thôn có giá trị cao hơn. Giá quy định hiện là 180.000-250.000 đồng/m2, trong khi giá thực tế là 1,8-2,5 triệu đồng/m2. Luật Đất đai và Nghị định 198 cũng quy định giá đất cao hơn ở những nơi đó, nhưng thực tế lại khác, gây khó cho công tác thu hồi và bồi thường.
2. Cần cố kéo giá đất xuống. Hà Nội đã giảm 20-25% nhưng vẫn phải xuống nhanh hơn nữa. Muốn làm được, thì năm 2006, giá quy định của Nhà nước phải ngang giá thị trường.
3. Sớm hoàn thành thuế sử dụng đất và thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với cá nhân.
Tranh luận mãi, thậm chí Thủ tướng đã có kết luận, thế mà cho đến nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa đâu vào đâu. Vì sao thế, thưa ông?
Đúng là còn lình xình về hệ thống hành chính trong quản lý đất đai, nhất là chỉ cần một giấy chứng nhận và một cơ quan đăng ký. Cho nên năm 2006 cần xây dựng một hệ thống thủ tục hành chính rất rõ ràng, minh bạch.
Cùng lúc, phải tạo ra một hệ thống hồ sơ minh bạch, công khai tài sản bất động sản (cơ sở sản xuất, nhà ở, vườn tược...). Muốn vậy, dứt khoát phải tạo hệ thống mang tính phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất.
Hiện nay, mục tiêu này còn bất cập, còn có mâu thuẫn giữa cơ quan Chính phủ với cơ quan pháp luật của Quốc hội, giữa một số bộ trong Chính phủ. Cho tới bây giờ, vẫn có ý kiến cho rằng công việc quản lý đất đai nên giao cho các bộ quản lý bất động sản trên đất (bất động sản công nghiệp giao cho Bộ Công nghiệp, bất động sản du lịch giao cho ngành du lịch...). Làm thế, là phá nát quản lý. Có quan chức còn khăng khăng cho rằng Việt Nam không phải học pháp luật nước nào cả (?). Thế thì hội nhập sẽ ra sao?
Tôi khẳng định, chấp nhận hệ thống nhiều cơ quan đăng ký, nhiều cơ quan chứng nhận đất đai, chính là chấp nhận tồn tại tư duy hỗ trợ tham nhũng. Tháng 9/2005, Thủ tướng đã kết luận rõ ràng: dù quan điểm các bộ còn khác nhau, nhưng chỉ có một cơ quan đăng ký, một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như thế, quyền lợi của nhân dân vẫn không được đảm bảo trọn vẹn. Ý kiến của Thứ trưởng?
Chính xác, phải xây dựng bằng được một hệ thống pháp luật đảm bảo quyền lợi của từng người sử dụng đất song song với quyền lợi của Nhà nước. Hiện nay nhiều nơi ban hành hạn mức rất chậm, và phổ biến là hạn chế diện tích một cách độc đoán.
Muốn làm tốt, phải giải quyết việc tiếp dân, giải quyết tố cáo, khiếu nại, tranh chấp về đất đai. Công việc này rất yếu kém, còn quan liêu, đùn đẩy nhau, không nhận đơn của dân, nhận rồi không giải quyết. Không ít vụ việc kéo dài quá thời hạn quy định, hoặc giải quyết không đúng luật, không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân.
Chính quyền không thiếu người, mà chính là còn thiếu trách nhiệm. Trong khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư, rất nhiều nơi chỉ thiên về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, phía khuất của tình trạng này thường có quyền lợi của cả nhà quản lý. Có một số trường hợp do nôn nóng về công nghiệp hoá mà không công khai quy hoạch, vi phạm pháp luật.
Hiện tượng phổ biến là chính quyền khoán trắng cho nhà đầu tư về phương án bồi thường, hỗ trợ, dẫn đến cưỡng chế quá nhanh. Đây là việc làm trái pháp luật, phổ biến hiện tượng bất công bằng trong cách tính bồi thường, chưa có nơi tái định cư đã cưỡng chế, rất hiếm việc định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân dân bị thu hồi đất.
Đáng lo ngại là chưa có biện pháp hữu hiệu trong chống tham nhũng đất đai, như cắm người vào khu tái định cư, khu giãn dân, hoặc thu hồi đất để chia chác. Tất cả những điều trên đều gây ra tham nhũng, mà đã tham nhũng tức là không bảo vệ quyền lợi của dân.
Tháng 8/2005 cả nước hoan nghênh cuộc tổng kiểm tra đất đai. Nhưng từ đó đến nay hình như lại yên ắng!
Bộ Tài nguyên Môi trường làm 2 báo cáo, 1 trình Quốc hội, 1 trình Chính phủ. Có thể nói gọn: tất cả những gì tôi vừa trao đổi là những tồn tại được phát hiện trong kiểm tra.
Từ kết quả đó, Bộ đã hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, như Nghị định 181 về khung giá, Nghị định 182 về phạt hành chính, Nghị định 197 về bồi hoàn và tái định cư, Nghị định 198 về tiền sử dụng đất.
Bộ cũng sẽ ban hành một số thông tư về trình tự thu hồi đất, về tái định cư, về giải quyết tranh chấp, khiếu nại (thông tư liên Bộ Tài nguyên Môi trường với Thanh tra Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân); Thông tư liên Bộ Tài nguyên Môi trường với Bộ Tài chính đối với ưu tiên sử dụng đất trên 4 lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục, thể dục thể thao; sửa đổi khung giá đất khu dân cư.
Mặt khác cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nhằm tạo ra thống nhất giữa các cấp chính quyền, đặc biệt làm rõ tư duy kiểu mới. Chính phủ cho phép kéo dài hết năm 2006 để hoàn thành cấp giấy chứng nhận, hoàn chỉnh hệ thống quy hoạch sử dụng đất. Chấn chỉnh hệ thống Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi đất với thủ tục hành chính đơn giản, nhưng phải đúng lúc, kiên quyết thu hồi đất vi phạm pháp luật (hiện mới đạt 65%).
Công tác kiểm tra, thanh tra phải làm thường xuyên, Bộ Tài nguyên Môi trường có đường dây nóng 8357890 sẵn sàng tiếp nhận và trả lời đề nghị, phát hiện của dân. Bộ sẽ yêu cầu các cấp chính quyền giải quyết đúng kỳ hạn.
Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ thành lập cơ quan tài phán đất đai, chấm dứt hiện trạng giải quyết, xử lý đất đai thiếu công bằng, dân chủ khá phổ biến ở các địa phương hiện nay.
Theo TBKTVN |
| |
|