Admin
Tổng số bài gửi : 741 Points : 28756 Join date : 12/01/2010 Age : 35 Đến từ : Long An
| | Tiêu đề: “Mù” nghiệp vụ quản lý đất đai 20/1/2010, 15:19 | |
| Thứ hai, 12 Tháng chín 2005
Một bộ phận lớn cán bộ ngành Tài nguyên - Môi trường ở ĐBSCL: Đợt kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai ở các địa phương do Bộ TN-MT tổ chức đã cho thấy một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu kiện đất đai phức tạp là do trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ TN-MT quá yếu.
PV Tiền Phong điều tra ở một số địa phương từ cấp thành phố đến xã tại ĐBSCL.
Cả sở chỉ có một người học tại chức chuyên ngành
Thành phố Cần Thơ, trung tâm của ĐBSCL, từ năm 1994 thành lập ngành đến nay có 4 người đảm đương vị trí GĐ Sở TN-MT (trước đây là Sở Địa chính nhưng trong bài này sẽ gọi thống nhất theo tên hiện nay là Sở TN-MT).
Không ai trong họ được đào tạo nghiệp vụ quản lý đất đai hoặc tương tự. Trước đó, các ông là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện hay quản lý DNNN. Và đa số các ông đảm đương cương vị GĐ Sở TN-MT thời gian ngắn, chỉ vài năm lại chuyển sang công việc khác.
Trong 4 ông có ông Võ Hoàng Dân từ Chủ tịch UBND huyện Ô Môn lên đảm nhiệm chức GĐ Sở TN-MT lâu nhất, được 6 năm (1994 – 2000).
Ông này có câu nói nổi tiếng khi đề cập sự phức tạp của các văn bản quy định về quản lý đất đai và sự gian nan của việc làm sổ đỏ: “Tôi không đọc được hết các văn bản quy định về quản lý đất đai. Đất của tôi ở thị trấn Ô Môn không tranh chấp với ai mà cũng không làm được sổ đỏ” (?).
GĐ Sở TN – MT, lại là em ruột của Chủ tịch UBND Cần Thơ lúc đó nhưng cũng đành bất lực trước việc chị vợ của ông bị chiếm mất đất nhưng ông không giải quyết được, nên bà phải nhờ báo Tiền Phong lên tiếng.
Ông luôn hô hào cán bộ TN-MT không thu thêm tiền của dân khi làm sổ đỏ, ngoài lệ phí quy định, nhưng cuối cùng ông lại bị xử tù vì hành vi lập quỹ trái phép ở Sở TN-MT.
Hiện nay, Ban GĐ Sở TN-MT TP Cần Thơ có 4 người, trong đó có PGĐ phụ trách đăng ký đất đai, ông Nguyễn Văn Sử là người duy nhất học đại học tại chức về quản lý đất đai.
Cấp huyện: Chỉ một người học trung cấp chuyên ngành
Những sai phạm trong quản lý đất đai trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã trở thành một vụ án điển hình cả nước, mà việc xử lý bước đầu đã buộc nhiều người vào tù.
Ông Dương Tấn Thân, bị kết án 6 năm tù giam, nguyên Trưởng phòng TN-MT Phú Quốc cũng chưa một ngày học về quản lí đất đai. Trước ông Thân, Trưởng phòng TN-MT Phú Quốc là ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng dính dáng đến tiêu cực đất đai phải nghỉ chế độ chưa học hết phổ thông, cũng không có chuyên môn về quản lí đất đai.
Tổ trưởng tổ đo vẽ của phòng này là ông Huỳnh Hoàng Anh, bị kết án 9 năm tù giam, nhưng chuyên môn là trung cấp cầu đường bộ. Thậm chí ông Huỳnh Văn Siềl, nguyên cán bộ TN-MT của Phú Quốc bị kết án 2 năm tù, trước tòa ông ngơ ngác: “Bị cáo không có chuyên môn, ai bảo gì làm đó, bị cáo cũng không hiểu mình bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn…” nghĩa là sao”(?).
Ông Nguyễn Hữu Bộ bị án 3 năm tù cũng không học hành gì về quản lý đất đai. Duy nhất một người có chuyên ngành là ông Trần Khắc Trung- Phó phòng TN-MT Phú Quốc- học trung cấp bản đồ, bị kết án 3 năm tù.
Vụ tiêu cực trên đảo Phú Quốc này, ngoài nguyên nhân vụ lợi, cố ý làm trái…, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thừa nhận có sự quá yếu kém về năng lực quản lý của cán bộ.
Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang cho biết: Cán bộ không có nghiệp vụ quản lý đất đai đang chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các Phòng TN-MT cấp huyện, thị xã. Phần lớn họ chỉ học các trường chính trị, trong đó không ít người học tại chức.
Cấp xã: Không chuyên môn càng thêm rối
Xã Thạnh Phú (Cái Nước, Cà Mau) nằm trên đoạn Quốc lộ 1A đang được nâng cấp từ TP Cà Mau xuống Năm Căn và tình hình khiếu kiện đất đai khá phức tạp. Xã có 2.800 hộ, 3.100 ha đất tự nhiên, từ năm 1995 đến nay có 3 đời cán bộ TN-MT.
Đầu tiên là ông Nguyễn Hoàng Lưỡng, văn hóa lớp 5, gần 60 tuổi. Ông làm được 1 năm thì già yếu không lội ruộng được nữa phải chuyển công tác khác và ông Nguyễn Hoàng Phong, văn hóa lớp 9, lên thay.
Ông Phong làm được 9 năm (1996 – 2004) và “thành tích” nổi bật của ông là nắm sổ mục kê, sơ đồ đất đai xúi người dân tranh chấp để trục lợi. Bởi thế, lịch sử đất đai ở đây vốn đã phức tạp, ông Phong còn làm cho phức tạp thêm khiến anh em, hàng xóm phải kéo nhau ra tòa vì sổ đỏ được cấp chồng lấn lên nhau.
Có những đám đất được cấp 2 sổ đỏ cho 2 người. Cuối năm 2004, ông Nguyễn Hoàng Phong bị đình chỉ công tác, hiện đang trong vòng điều tra của công an.
Đầu năm 2005, xã Thạnh Phú ký hợp đồng với Lâm Khánh Hưng làm cán bộ TN-MT. Hưng học trung cấp thủy sản ra nên hồ sơ đất đai do Hưng vẽ đưa lên huyện là bị trả về, năm lần bảy lượt mới đạt.
Cán bộ TN-MT cấp xã, phường, thị trấn ở Cà Mau có 87 người, trong đó 44 người (hơn 50%) không có nghiệp vụ về TN-MT. ở các huyện U Minh, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời thì tất cả cán bộ TN-MT cấp xã, phường, thị trấn đều không có nghiệp vụ chuyên môn.
Cán bộ TN-MT cấp xã, phường, thị trấn ở tất cả các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL hiện vừa thiếu, vừa yếu lại luôn biến động trong khi yêu cầu cần ổn định để am hiểu địa bàn.
Ở cơ sở đã xảy ra nhiều vụ việc khó tin. Cán bộ TN-MT xã Thạnh Phú, Phú Hưng và huyện Cái Nước (Cà Mau) dùng sổ đỏ của dân tiếp tay “cò ngân hàng” lấy trên 2,5 tỷ đồng của các chi nhánh ngân hàng thương mại Cà Mau và đang bị khởi tố.
Cán bộ địa chính ngồi ở nhà vẽ, tạo lập hồ sơ, cấp sổ đỏ trùng lắp, chồng chéo gấp nhiều lần diện tích đất thực tế. Hai xã Phong Thạnh Tây A và Phong Thạnh Tây B (Phước Long, Bạc Liêu) có đến 300 sổ đỏ vẽ trên giấy như thế được đem thế chấp vay vốn ngân hàng và nay đang đẩy ngân hàng vào tình thế khó khăn.
Bởi vì diện tích đất thực tế có thể phát mại ít hơn diện tích trong sổ đỏ đem thế chấp.
Rõ ràng vị trí của cán bộ TN-MT ở cơ sở chưa được đặt xứng tầm cuộc sống. Những người có nghiệp vụ chưa được chú trọng sử dụng, hàng năm còn nhiều người được đào tạo chính quy về quản lý đất đai nhưng khó tìm việc làm.
Ý kiến của cán bộ TN-MT chưa được nghiêm túc lắng nghe trong “Hội đồng giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân” ở các địa phương, một cơ cấu nhiều thành phần mà chủ yếu không có nghiệp vụ quản lý đất đai, không nắm chắc luật pháp. Tất cả đang tạo ra lỗ hổng rất lớn ở cơ sở trong công tác quản lý đất đai hiện nay.
Một khía cạnh khác, lương hàng tháng của cán bộ TN-MT nếu tốt nghiệp đại học từ 670 nghìn đến 1 triệu đồng, trung cấp 420 nghìn đồng, không có chuyên môn 316 nghìn đồng. Đất đai trong quá trình đô thị hóa thì biến động mạnh và có giá cao.
Thực trạng đó, lý giải vì sao khiếu nại, tố cáo và những tiêu cực về đất đai luôn là vấn đề nóng bỏng ở các địa phương. Đã đến lúc, Chính phủ, Bộ TN – MT mà trực tiếp là lãnh đạo các tỉnh TP cần nhìn nhận vấn đề cán bộ làm công tác quản lý đất đai một cách nghiêm túc và trách nhiệm hơn.
Sáu Nghệ - Hồng Lĩnh - Tiến Hưng Việt Báo (Theo_Tien_Phong) [b] |
| |
|